Friday, July 08, 2011

My First Boss

Tôi may mắn được làm việc với nhiều người sếp khác nhau, bởi tôi đã làm qua vài ba công ty khác nhau. Với mỗi người sếp, tôi điều học được nhiều điều. Với tôi, sếp, tức người lãnh đạo, phải có tâm và có tầm. Cái tâm nói lên cái đức của người sếp. Cái tầm nói đến cái tài của sếp. Một người sếp vừa có tâm và vừa có tầm sẽ khiến người khác theo. Giống như trong một entry mà tôi đã viết, một người sếp cần có 3 chữ Cs: Competency, Characteristics, và Care. Chữ C đầu tiên chính là cái tầm, cái tài. Hai chữ C sau nói đến cái tâm cái tình của người lãnh đạo. Những người đã từng là sếp tôi, ai cũng có cái Tâm và Tầm, có thể đôi khi với người này cái Tâm hoặc cái Tầm vượt trội hơn.

Sếp đầu tiên của tôi, mà nói cho đúng hơn là vị lãnh đạo của cơ quan tôi, là một quân nhân. Chưa "kịp" tốt nghiệp đại học, tôi đã được nhận vào làm cho Văn phòng điều hành dự án của Quân Khu 5, nghĩa là tôi làm cho quân đội, được hưởng mức lương và các phúc lợi khác của quân đội. Sếp tôi đương nhiên là một quân nhân. Người hơn tôi đến 3 con giáp, tức 36 tuổi. Khi ấy tôi 22 tuổi và sếp của tôi đã là 58 tuổi. Sếp là một người cực kỳ thương vợ thương con, một người mà bây giờ người ta dùng chữ tiếng Anh để mô tả "family-oriented". Quân hàm sếp lúc đó là Thượng tá, và tôi, tuy không phải báo cáo trực tiếp cho sếp, nhưng thường xuyên làm việc và tiếp xúc với sếp. Sếp coi chúng tôi như con cháu, bằng tất cả tình thương của con người - con người. Tôi chưa bao giờ thấy sếp nhậu nhẹt quá chén, cũng chưa bao giờ thấy sếp suồng sã với phụ nữ bao giờ. Cũng có thể tuổi sếp đã cao nhưng tôi nghĩ rằng, sếp là người sống có đạo đức. Tôi đã từng chứng kiến sếp kiệt sức vì nhưng trăn trở cho dự án, những băn khoăn về việc đầu tư. Lúc ấy, quân đội mới làm quen với việc làm kinh tế, hợp tác và liên doanh với nước ngoài, những nước mà trước đây chúng ta xem là tư bản, là không thể chung đường với chúng ta - Xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, công việc có vẻ rất phức tạp và nhạy cảm, và một người làm việc có tâm như sếp tôi, chắc chắn đã phải rất lao tâm khổ trí.

Cuộc đời thường không công bằng, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Một vài người vì ghen tị với sếp tôi đã thẳng tay hạ bệ sếp, dù trước đó họ được sếp tôi nâng đỡ để thay quyền sếp ở một công ty của quân đội. Vậy mà sếp chỉ nói giản đơn: gieo gió gặp bão, cần gì cay cú và ăn thua! Sếp về nghỉ ngơi, dành trọn thời gian cho một vợ và 2 con, trong đó có một người con thường xuyên đau ốm và đã qua đời ở tuổi chưa tới 30.

Nhân cách của sếp đã ảnh hưởng nhiều đến tôi. Dù bận bịu và vì một số lý do, tôi ít gặp sếp sau khi tôi chuyển qua công ty khác, nhưng với tôi, sếp luôn là người lãnh đạo, là người cha, và là người thầy của tôi khi tôi mới tập tễnh bước chân đi làm.

Đạo đức, vì gia đình, yêu thương con người, dẹp bỏ thù hận, khoan dung và tha thứ.