Tuesday, February 17, 2015

Vĩnh biệt bác Nguyễn Bá Thanh - Goodbye Honor Nguyen Ba Thanh

Bác đã đi rồi sao bác ơi
Mùa thu đang đợi nắng xanh trời!


Sẽ hơi quá đáng nếu lấy hai câu thơ trên để nói về sự mất mát của người Việt Nam nói chung và người Đà Nẵng nói riêng trước sự trở về cõi vĩnh hằng của nguyên bí thư, chủ tịch TP. Đà Nẵng! Nhưng, đã rất lâu lắm rồi kể từ ngày 2/9/1969 Bác Hồ ra đi trong tiếc nuối và đau thương vô hạn của người dân Việt Nam, hàng triệu hàng triệu người đã khóc bác, và bác mãi mãi sống trong lòng người dân Việt Nam. "Người không con mà có triệu con, nhân dân ta gọi Người là Bác, cả đời người là của nước non". Người dân Việt Nam mất Bác như là mất đi vị cha già kính yêu.
Và gần 50 năm sau, khi Bác Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng, hàng triệu triệu trái tim đau nhói trước mất mát không của riêng ai, mất mát của dân tộc. Vị anh hùng dân tộc đã ra đi mãi mãi, cùng theo bước chân Bác Hồ. Hai con người, hai thế hệ, một niềm tin, một lý tưởng và chung hàng triệu triệu trái tim yêu thương. Bác Hồ sống trọn đời mình cho đất nước, vì dân quên thân, đau đáu nỗi khắc khoải thống nhận vẹn toàn non sông, trăn trở nỗi lo cơm áo chữ nghĩa cho đồng bào nhân dân. Bác Giáp dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Người sống trọn đời mình với quân đội, dù có lúc đảm trách nhiệm vụ không dính gì đến quân đội, nhưng Người vẫn tận tâm tận tụy phục vụ vì đại cuộc. Vì lẽ đó, khi Người ra đi về với quê mẹ Quảng Bình, hàng triệu triệu trái tim thổn thức vì thương tiếc. Khi chào đời, hẳn Bác Hồ và Bác Giáp đã khóc trong nụ cười hạnh phúc của các bậc sinh thành. Hai Bác đã sống để rồi khi hai Bác ra đi, hai Bác mỉm cười trong muôn vàn tiếng khóc thương. Đáng lắm thay! Đáng thay!

Ngày 13/2/2015, ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên bí thư, chủ tịch thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính TW đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Và lịch sử một lần nữa đã lặp lại. Sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh không phải là mất mát của gia đình, mà đó là sự mất mát của cả thành phố Đà Nẵng và sự tiếc nuối của hàng triệu người dân Việt Nam trong những ngày cận Tết Nguyên Đán Ất Mùi. Bác Thanh - hãy gọi là Bác như chúng ta gọi Bác Hồ và Bác Giáp - là người đã có công rất lớn trong việc biến Đà Nẵng từ một "thành phố chán sống" thành một "thành phố đáng sống". Cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương....; đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Tất Thành, đường Trường Sa - Hoàng Sa (Sơn Trà Điện Ngọc); thành phố 5 không, thành phố 3 có, phụ cấp dưỡng liêm, nhà cho phụ nữ đơn thân, chùa Linh Ứng, Bà Nà Núi Chúa, các khu nghỉ dưỡng ven biển, trường chuyên Lê Quý Đôn, bệnh viện Ưng thư TP. Đà Nẵng, bệnh viện 600 giường... rất nhiều và rất nhiều công trình an sinh xã hội mọc lên để phục vụ cho mục tiêu "thành phố đáng sống" với 5 không và 3 có. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của Bác Nguyễn Bá Thanh. Là người xuất thân từ tầng lớp nông dân, bắt đầu công tác thanh niên, sau chuyên về nông nghiệp, Bác Nguyễn Bá Thanh rất hiểu sự khó khăn nhọc nhằn của người lao động và người nghèo. Vì vậy, Bác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho cuộc sống của những người này, không phải giúp cho họ giàu lên mà nhằm tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định hơn, bớt nhọc nhằn hơn, và sống tốt hơn. Những ý tưởng phát sinh khi đến thăm dân, những phát kiến có được khi trò chuyện cùng dân, tất cả đều quay trở lại để phục vụ nhân dân và thành phố. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân chịu đều xong! Các chính sách, quyết sách của Bác rất thật tế và đã đi vào lòng người. Dù rằng, làm hài lòng tất cả mọi người là một nghệ thuật không ai làm được. Cho nên, vẫn có những người ganh, người ghét. Và người ta sẵn sàng đơm chuyện thêu dệt lên những "câu chuyện rỉ tai viễn tưởng" nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ Bác. Lòng dân rất định! Thử hỏi trong gần 20 năm trở lại đây, được bao quan chức như Bác Thanh?

Lần chia tay thứ nhất diễn ra khi Bác được TW điều động giữ chức Trưởng Ban Nội chính TW, kiêm phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham những TW. Tôi và chúng tôi biết, chưa hẳn Bác muốn ra đi. Nhưng rồi Bác đã ra đi. Tôi không cho rằng Bác quyết định rời xa thành phố là vì áp lực hay vì tham quyền cao chức trọng, mà Bác ra đi để chấp nhận thử thách và để công hiến thêm cho đời, cho người, cho tổ quốc. Tham nhũng đã thành căn bệnh, thành một tế bào ung thư ăn sâu vào cơ thể. Người ta vẫn dùng hóa chất để điều trị căn bệnh này nhưng dùng toàn hóa chất giả (hô hào thuần túy, giơ cao đánh khẽ). Người ta dùng các báo cáo bệnh án giả tạo để che đậy sự thật phũ phàng của nạn tham nhũng. Đánh giặc tham nhũng khó vạn lần đánh giặc ngoại xâm. Vì vậy, đất nước và dân tộc cần một vị tướng có đức, có tài, có tố chất bản lĩnh và sự quyết đoán để chống tham nhũng. Tiếc thay, giặc này mạnh quá! Bác Thanh biết ra đi là chấp nhận nhiều cam go, thử thách, nguy hiểm. Nhưng đó lại là Bác Thanh của Đà Nẵng, người đã từng cầm súng hoa cải đuổi đám lính non đào ngũ trộm củi của dân, người đã dám chỉ thẳng mặt các vị chức sắc của thành phố vì bệnh quan liêu hủ hóa. Người dân Đà Nẵng có quyền đòi Bộ Chính Trị và Trung Ương trả món nợ này - món nợ một người có tài, có đức và có tâm. Tại sao lại lấy đi của Đà Nẵng một người con như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm cho sự mất mát đau thương này? Ai là người sẽ bảo đảm rằng rồi đây, những người đang còn ngồi ở ghế bí thư, chủ tịch của thành phố vẫn tiếp bước sự nghiệp và ước mơ của Bác Thanh, là làm cho Đà Nẵng ngày càng thêm sạch, đẹp, văn minh và văn hóa? Mấy ai trong số các vị đó sẽ cùng "quần đùi áo số" như Bác Thanh ra sân cùng các cầu thủ? Ai trong số đó sẽ ngồi bệt xuống vỉa hè để đánh cờ tường cùng các bác xe ôm? Ai sẽ len lỏi vào các con phố nhỏ, các khu dân cư ẩm thấp hôi thối để thăm dân, để nghe dân khóc và để thấy được sự khó nhọc của dân? Ai sẽ đội mưa chạy xe máy để kiểm tra các điểm ngập lụt? Ai sẽ "bẻ còi" các nhà học giả giả học về Công ước biển UNCLOS 1980? Ai sẽ làm cho cánh nhà báo cứng họng khi hỏi "đã có tổ chức thi chưa mà dám nói Đà Nẵng nhậu nhất nước?" Ai sẽ hỏi các nhà sử học "đã thấy con rồng như thế nào chưa mà dám nói đầu rồng (cầu Rồng) không giống con rồng?"...

Lần chia tay thứ hai - mãi mãi...
Thôi rồi! Người đã đi xa
Về nơi chín suối là nhà mai sau
Chốn trần trú tạm không lâu
Mà Người đã vẽ một màu toàn xanh (tức là Bá Thanh)
Năm Không ba Có - an lành
Thành nơi "đáng sống" từ thành phố xưa
Trời buồn chợt đổ cơn mưa
Tiếc thương tài đức còn chưa kịp dùng...

Cầu chúc Bác thanh thoát nơi cõi vĩnh hằng. Tôi tin rằng, hương hồn Bác sẽ được đón đưa về Tây Phương cực lạc.

Buồn cho thế thái nhân tình
Người tài đứt bóng thình lình trái oan...

Chiều 30 Tết Ất Mùi 2015
Tiểu Tâm Trương Tuấn