Tuesday, January 21, 2014

Suy ngẫm về đại án Huyền Như cùng Vietinbank

Thật thất vọng!
 
Đó là những gì các vị luật sư bảo vệ quyền lợi của các bị hại trong vụ "đại án" Huyền Như cùng Vietinbank!
 
Huỳnh Như nguyên là trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Bằng các thủ đoạn của mình, lợi dụng chính sách lãi suất ngoài hợp đồng mà Vietinbank phát động cho nhân viên để huy động tiền gởi, "phù thủy" Huyền Như đã làm thiết hại 3900 tỉ đồng của khách hàng, trong đó có các ngân hàng, công ty chứng khoán, các đơn vị kinh doanh và cá nhân. Thủ thuật của Huyền Như như thế nào, có lẽ ai cũng biết (thông qua thông tin trên các phương tiện truyền thông). Tuy nhiên, nếu không có chủ trương huy động trả lãi suất cao hơn mức lãi suất trần mà Ngân hàng nhà nước qui định, liệu "đại án" này có xảy ra? Là người có quan hệ với rất nhiều nhân viên ngân hàng, tôi hiểu được áp lực mà ngân hàng đặt lên vai nhân viên của mình, như áp đặt nhân viên một năm phải huy động ít nhất bao nhiêu tiền gởi, cho dù nhân viên đó có trực thuộc phòng kinh doanh hay không hoặc mỗi nhân viên phải sử dụng thẻ visa của chính ngân hàng mình phát hành mỗi năm tối thiểu 200 triệu... Vậy nên mới có chuyện nhân viên phải nghĩ ra đủ chiêu thức để hoàn thành chỉ tiêu, và khi "ăn - ngủ - nghỉ" cùng các chiêu đó, đột nhiên có nhân viên nghĩ ngay đến kẻ hở, và "đại án" Huyền Như cùng Vietinbank ra... lò. Bằng cách sử dụng con dấu của Vietinbank (dấu thật), và giả chữ ký (ký giả), Huỳnh Như đã thực hiện nhiều hợp đồng với các tổ chức và cá nhân, huy động vốn, nhưng sau đó lập các sổ tiết kiệm, cầm cố thế chấp vay vốn.... lấy tiền của khách hàng, hơn 3900 tỉ đồng.
 
Tòa đang xử, vậy có gì thất vọng?
 
1- Viện Kiểm Sát và đại diện Vietinbank lập luận Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng gởi tiền bị mất trong vụ án này, bởi khách hàng phải có trách nhiệm quản lý tài khoản của mình. Vậy, xin hỏi quản lý cái gì và quản lý bằng cách nào? Có lẽ nên đưa vị đại diện VKS và đại diện Vietinbank về lại trường Đại Học, học lại môn tài chính tín dụng hay đọc thêm sách về nguồn gốc và các hoạt động kinh doanh của ngân hàng! Tôi có tiền, nhà nước khuyến khích không nên để tiền ở nhà vì sẽ có rủi rõ mất mát. Nhà nước khuyên nên gởi và ngân hàng được thành lập có một phần chức năng để giữ tiền cho dân (mà thật chất là vay vốn của dân để buôn tiền). Tiền trở thành một mặt hàng mà ngân hàng kinh doanh (kinh doanh tiền tệ). Khi mở tài khoản tại Vietinbank, tôi phải làm đơn, nộp các giấy tờ hợp pháp để chứng minh nhân thân và gốc gác. Tôi gởi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất (thấp hơn lãi suất ngân hàng cho vay). Đây là hợp đồng dân sự, và ai cũng hiểu rằng nếu làm thất thoát tiền của ngân hàng, tôi sẽ được đền bồi thường. Nếu ngân hàng không thể chứng minh rằng chủ tài khoản đã thực hiện các giao dịch làm thay đổi số dư tài khoản, mà tiền trong tài khoản mất đi, ngân hàng phải có trách nhiệm đền bồi thường. Điều này ngay cả cháu bé học lớp 3 cũng hiểu và biết.
 
2- VKS cho rằng các bị hại đã tham lãi suất cao nên mới bị... lừa. Xin thưa, đây là giao dịch dân sự. Bất kỳ ai cũng muốn sử dụng đồng vốn/ tài sản của mình một cách hiệu quả nhất. Thử hỏi ông đại diện VKS này có nhà chưa, và tại sao lại mua căn nhà đó, trong nhà có TV không, tại sao lại mua cái TV đó, ở cửa hàng đó? Phải chăng là vì giá nó rẻ hơn chỗ khác mà chất lượng tốt hơn...? Vậy thì người ta gởi tiền vào Vietinbank vì Vietinbank chào giá lãi suất cao hơn nơi khác. VKS cho rằng như vậy là sai vì NHNN đã qui định mức lãi suất trần. Vậy xin hỏi vị đại diện VKS khi mua nhà, giá nhà đất ở con đường đó do TP qui định là bao nhiêu và quí vị mua có được với giá đó không? Cũng xin hỏi vị đại diện VKS khi đi công tác và ở trong khách sạn, giá niêm yết là 500,000 VNĐ/đêm nhưng khách sạn chỉ lấy 450,000 VNĐ/đêm để cạnh tranh với các khách sạn khác. Quí vị sẽ trả cho khách sạn 450,000 VNĐ hay 500,000 VNĐ cho một đêm nghỉ lại? Vietinbank là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nên phải chấp hành nghiêm túc các qui định của ngân hàng. Nếu anh làm sai, anh sẽ bị xử lý. Điều đó không có nghĩa là khách hàng của anh sẽ bị xử lý (bằng cách làm mất tiền và đổ thừa là do Vietinbank và cả khách hàng cùng làm sai). Ai quan tâm đến qui định của NHNN? Chỉ mấy anh ngân hàng quan tâm mà thôi, còn doanh nghiệp hay người dân, cứ thuận mua vừa bán.
 
3- Nhiều bị hại không làm ăn gì với Huyền Như nhưng vẫn bị mất tiền, lý do là "anh không thực hiện giao dịch trong trụ sở của ngân hàng". Thật ấu trĩ và quan liêu. Có lẽ cũng nên gởi vị đại diện VKS đi học lớp về công nghệ thông tin và hàng ngày bắt đọc hết nguyên một tờ tạp chí chuyên ngành về ngân hàng. Dịch vụ internet banking đã giúp giải quyết hàng loạt nghiệp vụ khác mà đáng ra không cần diễn ra tại trụ sở ngân hàng, và ngân hàng có thu phí hẳn hoi. Vậy anh thu phí dịch vị đưa ra cho khách hàng, sau đó anh nói rằng dịch vụ đó không hợp lệ nên không chịu trách nhiệm chăng? Việc rút tiền tại máy ATM có hợp lệ không khi máy ATM đó không nằm tài trụ sở của ngân hàng? Việc thanh toán các hóa đơn điện thoại, điện nước, vé máy bay... trên máy tính cá nhân thông qua internet là không hợp lệ? Mua vé máy bay trên mạng Vietnamairlines là không hợp lệ???
 
4- Đại diện do Vietinbank đến tham dự phiên tòa với tư cách nguyên-bị đơn nhưng xin được trả lời với tư cách cá nhân. Thật là buồn cười và...hỗn láo với phiên tòa. Rõ ràng, ở đây, tại chốn công đường, pháp luật đã không được thực thi một cách công minh và nghiêm túc. Nếu anh trả lời với tư cách cá nhân, vậy thì tòa nên mời anh ta xuống hàng ghế khán giả và triệu tập ngay người có trách nhiệm của Vietinbank.
 
5- Nhiều tổ chức cá nhân gởi tiền vào Vietinbank không phải vì lãi suất cao nhưng vẫn mất tiền có thể kiện đại diện VKS vì tôi vu khống và làm nhục người khác khi kết luận rằng họ tham lam lãi suất cao nên mới bị mất tiền.
 
6- VKS và Vietinbank cho rằng Huyền Như lừa đảo trực tiếp các bị hại chứ không phải Vietinbank vô trách nhiệm làm mát mát tiền của tổ chức cá nhân. VKS và Vietinbank đã bỏ qua rất nhiều bằng chứng và thông lệ hoạt động của các tổ chức, đặc biệt tổ chức tín dụng. Còn nhớ không lâu một nhân viên IT của ngân hàng Vietcombank thực hiện các giao dịch trên mạng để lấy tiền của khách hàng, sau đó Vietcombank đã đưa nhân viên này ra tòa, đồng thời thực hiện đền bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại, bởi đó là nhân viên của ngân hàng và nhân viên này đang lừa ngân hàng. Việc đền bồi thường cho khách hàng là đương nhiên, còn ngân hàng kiện ngược trở lại kẻ lừa đảo là một vụ án khác. Thật nguy hiểm khi các tổ chức tín dụng tài chính buông lỏng quản lý giám sát để nhân viên của mình sử dụng tư cách pháp nhân của ngân hàng, con dấu hợp pháp của ngân hàng để lừa đảo và sau đó các tổ chức đó phủi bỏ trách nhiệm, với sự bảo vệ cuar VKS! Nếu một nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ sử dụng biên lai thu tiền hợp pháp và thu tiền bảo hiểm của khách hàng, sau đó không nộp vào công ty mà sử dụng cá nhân. Khách hàng tử vong, và đưa ra bằng chứng đã nộp đủ tiền (tức thực hiện đủ đầy trách nhiệm của mình) thì công ty bảo hiểm có bồi thường cho khách hàng?
 
7- Có uẩn khúc gì không khi Huyền Như, Vietinbank và đại diện VKS đang muốn vụ án đi theo hướng lừa đảo chứ không phải tham ô? Tôi có thể đảm bảo rằng 99,99% những người hiểu biết nếu được hỏi về "đại án" này đều kết luận Huyền Như lừa đảo của khách hàng với danh nghĩa cán bộ quản lý của Vietinbank và sử dụng con dấu của Vietinbank, do đó Vietinbank phải chịu trách nhiệm trong vụ án này, đồng thời đưa Huyền Như ra tòa để yêu cầu bồi thường lại cho Vietinbank. Phải chăng số tiền quá lớn và nhắm thấy số tài sản tịch thu kê biên quá nhỏ? Phải chăng sợ đại án này dính tới nhiều người khác nữa? Có khuất tất gì không?
 
Thay lời kết:
Gần đây lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các vụ án lớn như Dương Chí Dũng, Huyền Như, bầu Kiên.... Dường như Đảng và Nhà nước đã thấy có dấu hiệu tham nhũng tham ô trong các vụ án này và làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của đất nước, của nhân dân. Hơn lúc nào hết, ngay chính giai đoạn này, công đường phải là nơi mang lại niềm tin và công lý cho người dân, với tất cả sự uy nghiêm, chuyên nghiệp và công bằng. Theo dõi "kỳ án trộm dê" tại Bắc Bình Thuận mà cảm thấy hết sức nực cười, vì tòa cứ xử, bị cáo cứ thiếp đi vì bệnh, và nằm trên chiếc giường xếp... Nếu phiên xử nào cũng như "kỳ án trộm dê" và "đại án Huyền Như" thì liệu pháp đường có còn là chốn nghiêm minh và công lý?
 
Có lẽ sau vụ án Huyền Như và Vietinbank, suy nghĩ và phản ứng của người dân về hoạt động ngân hàng sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Đó là điều rất đang lo....